Người lao động nghỉ ngang có lấy được sổ bảo hiểm không là thắc mắc chung của nhiều người lao động. Vì trong một số trường hợp cá nhân bất khả kháng, họ phải đưa ra quyết định nghỉ ngang thay vì bàn giao công việc đúng quy định trong hợp đồng. Hãy cùng tìm hiểu câu trả lời trong bài viết sau!
1. Trường hợp nào người lao động được gọi là “nghỉ ngang”?
Theo Bộ luật Lao động 2019, nghỉ ngang là khái niệm chỉ người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà chưa được bên sử dụng lao động xác nhận.
Sau đây là những trường hợp được xem là nghỉ ngang:
- Nghỉ đột ngột, không báo trước và không bàn giao theo quy định đã thỏa thuận trong hợp đồng.
- Nghỉ đột xuất vì tìm được công việc khác tốt hơn.
- Bất ngờ chuyển đi nơi khác sống nhưng không thông báo cho bên sử dụng lao động.
2. Người lao động nghỉ ngang có lấy được sổ bảo hiểm không?
Để có lời giải đáp chính xác cho thắc mắc nếu nghỉ ngang có lấy được sổ bảo hiểm không, người lao động cần nắm rõ điều kiện được lãnh bảo hiểm xã hội (BHXH) như sau:
- Người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau 1 năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH.
- Người lao động đã đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH; hoặc lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia BHXH khi nghỉ việc mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.
- Người lao động đi định cư nước ngoài.
- Người lao động đang mắc một trong các bệnh nguy hiểm đến tính mạng như: Ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.
- Người lao động gồm: Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí, khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.
Theo đó, nếu thuộc một trong các nhóm đối tượng kể trên thì mức hưởng BHXH một lần theo Khoản 2 Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP như sau:
- 1.5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014.
- Hoặc 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
- Trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức hưởng BHXH bằng số tiền đã đóng, tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Có thể nói, trường hợp người lao động nghỉ ngang được tính là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật nên không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định như trên.
Tuy nhiên, người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành tất cả thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động trong vòng 14 ngày và không vượt quá 30 ngày. Đồng thời, bên sử dụng lao động cũng phải hỗ trợ cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động, nếu người lao động có yêu cầu.
Người lao động nghỉ ngang không nhận được trợ cấp thất nghiệp nhưng vẫn được bên sử dụng lao động trả sổ BHXH.
3. Người sử dụng lao động không hỗ trợ chốt sổ bảo hiểm thì người lao động nên làm gì?
Trường hợp đơn vị sử dụng lao động cố tình gây khó dễ cho người lao động bằng việc không chốt sổ bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian quy định, người lao động có quyền tố giác để xử phạt hành chính theo Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP. Cụ thể:
- Nếu người sử dụng lao động không chốt sổ bảo hiểm xã hội cho từ 01 người đến 10 người lao động: Phạt 1.000.000 – 2.000.000 VNĐ.
- Nếu người sử dụng lao động không chốt sổ bảo hiểm xã hội cho từ 11 người đến 50 người lao động: Phạt 2.000.000 – 5.000.000 VNĐ.
- Nếu người sử dụng lao động không chốt sổ bảo hiểm xã hội cho từ 51 người đến 100 người lao động: Phạt 5.000.000 – 10.000.000 VNĐ.
- Nếu người sử dụng lao động không chốt sổ bảo hiểm xã hội cho từ 101 người đến 300 người lao động: Phạt 10.000.000 – 15.000.000 VNĐ.
- Nếu người sử dụng lao động không chốt sổ bảo hiểm xã hội cho từ 301 người lao động: Phạt 15.000.000 – 20.000.000 VNĐ.
Ngoài ra, theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 41 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, nếu người sử dụng lao động đã chốt sổ BHXH nhưng không trả lại cho người lao động thì sẽ bị phạt thêm từ 2.000.000 – 4.000.000 VNĐ/người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 VNĐ.
Nếu bên sử dụng lao động không giao trả sổ BHXH thì người lao động có thể thực hiện tố giác lên cơ quan thẩm quyền.
Theo đó, hành động không chốt sổ bảo hiểm cho người lao động đồng nghĩa người sử dụng lao động đã xâm phạm nghiêm trọng vào lợi ích chính đáng của người lao động. Lúc này, người lao động có thể tố giác bằng cách:
- Cách 1: Gửi yêu cầu tố cáo trực tiếp về Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
- Cách 2: Thực hiện thủ tục khiếu nại tại cơ quan có thẩm quyền.
- Cách 3: Khởi kiện trực tiếp tại tòa án.
Với những chia sẻ kể trên, mong rằng bạn đọc đã có câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc nghỉ ngang có lấy được sổ bảo hiểm không. Qua đó giúp bảo vệ tất cả quyền lợi chính đáng của bản thân khi gia nhập thị trường lao động.