Thông thường các trường hợp bệnh nhân đau trước ngực, suy tim hoặc có dấu hiệu nhồi máu cơ tim sẽ được chỉ định chụp mạch vành. Vậy khi chụp mạch vành có được hưởng bảo hiểm không? Nếu có thì mức bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán là bao nhiêu? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp những thắc mắc này, cùng tìm hiểu nhé!
1. Chụp mạch vành là gì? Khi nào cần thực hiện?
Chụp mạch vành (hay chụp động mạch vành) là một đánh giá hình ảnh học (sử dụng tia X) để chẩn đoán, đánh giá trình trạng dòng máu đang di chuyển trong các động mạch nuôi tim và tìm kiếm những vùng đang bị tắc nghẽn. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ xác định đúng tình trạng bệnh và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.
Người bệnh được chỉ định chụp mạch vành trong những trường hợp dưới đây:
- Kiểm tra trước khi làm phẫu thuật cho người lớn tuổi, hoặc người bệnh có nguy cơ bị bệnh mạch vành.
- Hội chứng mạch vành cấp tính.
- Tái phát cơn đau thắt ngực sau khi đã đặt stent động mạch vành hoặc phẫu thuật bắc cầu nối động mạch chủ – mạch vành.
- Xuất hiện các dấu hiệu đau tim như cảm giác khó chịu ở ngực, khó thở bất thường hoặc đau thượng vị, vã mồ hôi, nôn ói,…
- Điện tâm đồ (ECG) không bình thường nghi ngờ thiếu máu cơ tim.
- Kết quả siêu âm tim bất thường nghi ngờ thiếu máu cơ tim.
- Xét nghiệm máu (men tim) bất thường nghi ngờ nhồi máu cơ tim.
- Suy tim không xác định rõ nguyên nhân.
- Người bệnh rối loạn nhịp tim như nhịp nhanh thất, block nhĩ thất.
- Tìm nguyên nhân suy tim, xem xét có phải do thiếu máu cơ tim gây ra hay không?
- Bác sĩ xem xét người bệnh có bị bệnh động mạch vành, cần phải phẫu thuật tim hoặc đặt stent.
- Kiểm tra mức độ tắc nghẽn của động mạch vành.
- Kiểm tra sau hồi sức, các bệnh tim mạch khác trên bệnh nhân có nguy cơ bệnh mạch vành.
Bác sĩ áp dụng phương pháp chụp mạch vành để đánh giá dòng máu lưu thông trong các động mạch tim, từ đó chẩn đoán bệnh.
2. Chụp mạch vành có nguy hiểm không?
Chụp mạch vành thường được đánh giá là khá an toàn, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn một số biến chứng nhỏ như:
- Dị ứng với thuốc cản quang.
- Chảy máu dưới da.
- Tổn thương động mạch nơi ống thông được đưa vào (ở tay hoặc chân).
- Loạn nhịp tim.
- Tổn thương thận.
- Chảy máu quá nhiều.
- Nhiễm trùng.
- Đau tim.
- Đột quỵ.
Chính vì vậy, phương pháp chụp mạch vành chỉ được áp dụng sau khi người bệnh đã kiểm tra gắng sức, điện tâm đồ hoặc siêu âm tim để đảm bảo thực hiện an toàn, hạn chế biến chứng.
3. Chi phí chụp mạch vành
Thông thường, chi phí chụp mạch vành phụ thuộc vào từng loại kỹ thuật chụp mạch vành, cụ thể:
- Chi phí chụp mạch vành qua da: Dao động khoảng 15 – 20 triệu đồng/lần.
- Chi phí chụp mạch vành MSCT: Dao động khoảng 2,5 – 5 triệu/lần.
Trước khi tiến hành thủ thuật chụp động mạch vành, bác sĩ hoặc nhân viên y tế sẽ tư vấn và thông báo trước chi phí để người bệnh có thể chuẩn bị cũng như dự trù.
4. Chụp mạch vành có được hưởng bảo hiểm không?
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 13/2020/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 35/2016/TT-BYT ngày 28/9/2016 về Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT. Theo đó, từ ngày 10/8/2020, đã có thêm nhiều dịch vụ kỹ thuật y tế được BHYT thanh toán, trong đó có chụp mạch vành.
4.1 Trường hợp được BHYT chi trả phí chụp mạch vành
Cụ thể, theo Danh mục 2 Ban hành kèm theo Thông tư 35/2016/TT-BYT quy định BHYT sẽ chi trả chi phí chụp động mạch vành trong những trường hợp sau:
- Nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh lên.
- Đau ngực không ổn định và nhồi máu cơ tim không ST chênh lên.
- Đau thắt ngực ổn định nhưng điều trị nội khoa không khống chế được triệu chứng.
- Sau cấp cứu ngừng toàn ngoài bệnh viện.
- Đau ngực tái phát sau can thiệp động mạch vành hoặc sau phẫu thuật làm cầu nối.
- Suy tim không rõ nguyên nhân.
- Người bệnh rối loạn nhịp tim nguy hiểm.
Chi phí chụp động mạch vành sẽ được BHYT hỗ trợ chi trả trong trường hợp người bệnh bị nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh lên, đau ngực không ổn định, bị rối loạn nhịp tim nguy hiểm…
4.2 Điều kiện để BHYT hỗ trợ chi trả phí chụp mạch vành
Bên cạnh nằm trong các trường hợp kể trên, người bệnh được BHYT chi trả phí chụp mạch vành cần đáp ứng một số điều kiện dưới đây:
– Được cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện chụp mạch vành tại cơ sở khám, chữa bệnh.
– Được thực hiện theo quy định chuyên môn do cấp có thẩm quyền cấp phép. Cụ thể:
- Các cơ sở y tế phải cung cấp các tài liệu chuyên môn về chẩn đoán, điều trị và quy trình kỹ thuật do Bộ Y tế ban hành hoặc do người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban hành.
- Đối với các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chưa được Bộ Y tế ban hành các hướng dẫn chuyên môn hoặc quy trình kỹ thuật.
- Khi ban hành các hướng dẫn chuyên môn, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm gửi hướng dẫn đến cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đặt trụ sở.
- Cơ sở y tế được cấp có thẩm quyền phê duyệt giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Để nhận hỗ trợ BHYT khi chụp mạch vành, hồ sơ của bạn phải đáp ứng các điều kiện đã quy định.
4.3 Mức chi trả của BHYT đối với chụp mạch vành
Như vậy, với thắc mắc chụp mạch vành có được bảo hiểm không thì đáp án là CÓ, nếu người bệnh thuộc 1 trong những trường hợp trên và cơ sở khám, chữa bệnh đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định.
Mức thanh toán như sau:
- Đối với bệnh nhân có thẻ BHYT được hưởng mã quyền lợi số 1 (người hoạt động cách mạng, bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh,…) được hưởng 100% chi phí cho 1 lần chụp mạch vành.
- Đối với bệnh nhân có thẻ BHYT được hưởng mã quyền lợi số 2 (cựu chiến binh) được hưởng 100% chi phí nhưng không vượt quá 40 tháng lương cơ sở hiện hành cho 1 lần chụp mạch vành.
- Đối với bệnh nhân có BHYT mang mã quyền lợi số 3 (vợ hoặc chồng của liệt sĩ, đồng bào dân tộc thiểu số,…) được nhận 95% chi phí nhưng không vượt quá 40 tháng lương cơ sở hiện hành cho một lần chụp động mạch vành.
- Đối với bệnh nhân có BHYT mang mã quyền lợi số 4 (thân nhân công an, trẻ dưới 6 tuổi,…) được hỗ trợ 80% chi phí nhưng không vượt quá 40 tháng lương cơ sở cho một lần chụp mạch vành.
- Đối với người bệnh tham gia BHYT 5 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB lũy kế lớn hơn 6 tháng lương cơ sở sẽ được hỗ trợ 100% chi phí chụp mạch vành nhưng không vượt quá 40 tháng lương cơ sở.
Hy vọng qua bài viết bạn đã biết thủ thuật chụp mạch vành có được hưởng bảo hiểm không. Nhìn chung, nếu bệnh nhân thuộc các trường hợp quy định và đáp ứng điều kiện thì sẽ được BHYT chi trả chi phí. Ngoài ra, đừng quên theo dõi taichinh.online để có thêm nhiều kiến thức về bảo hiểm hữu ích bạn nhé!