Triệt sản khi sinh mổ có được bảo hiểm thanh toán không?

Tác giả: huongdang

triệt sản khi sinh mổ có được bảo hiểm không

Triệt sản là phương thức tránh thai hiệu quả cao nhưng lại khá an toàn, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của chị em phụ nữ. Trong một số trường hợp, bác sĩ thường tư vấn triệt sản cùng lúc với sinh mổ khi thai phụ không có ý định sinh tiếp. Vì thế mà có nhiều chị em thắc mắc triệt sản khi sinh mổ có được bảo hiểm không. Cùng tìm lời giải đáp ngay trong bài viết dưới đây nhé. 

1. Tìm hiểu chung về triệt sản nữ

Triệt sản nữ là thủ thuật thắt ống dẫn trứng, ngăn trứng tiếp xúc với tinh trùng, từ đó không thể thụ tinh và mang thai. Việc triệt sản không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của chị em vì buồng trứng, tử cung, cổ tử cung vẫn hoạt động bình thường. Khi tới tháng chị em vẫn hành kinh và nội tiết tố cũng không bị ảnh hưởng gì. 

Đối với thai phụ sinh mổ thì thời điểm tốt nhất để triệt sản là ngay sau khi lấy thai nhi ra ngoài. 

Dưới đây là các ưu và nhược điểm khi triệt sản nữ:

Ưu điểm:

  • Phương pháp ngừa thai vĩnh viễn và có độ hiệu quả cao.
  • Quy trình phẫu thuật đơn giản, an toàn. 
  • Không ảnh hưởng đến sức khỏe, chu kỳ kinh nguyệt, nội tiết tố.
  • Chi phí phải chăng, không quá cao. 

Nhược điểm:

  • Nếu đã triệt sản thì không thể hồi phục. Nếu sau đó bạn muốn có thai tự nhiên thì tỷ lệ rất thấp nên cần cân nhắc kỹ trước khi thực hiện.
  • Triệt sản nữ vẫn có thể không thành công, điển hình là bạn vẫn mang thai hoặc bị thai ngoài tử cung nhưng tỷ lệ này rất nhỏ, hiếm xảy ra.
  • Cần thực hiện ở các cơ sở y tế uy tín, bác sĩ chuyên môn cao và có thiết bị máy móc hiện đại để đảm bảo an toàn sức khỏe. 

triệt sản nữ

Triệt sản là cách tránh thai hiệu quả và không bị các tác dụng phụ như rối loạn nội tiết, chu kỳ kinh nguyệt không đều,…

2. Chi phí triệt sản khi sinh mổ

Phẫu thuật triệt sản nữ có chi phí dao động từ 3 – 4 triệu hoặc hơn tùy cơ sở y tế. Nếu kết hợp triệt sản cùng lúc với sinh mổ thì sẽ không phát sinh thêm chi phí. 

3. Triệt sản khi sinh mổ có được bảo hiểm không?

3.1. Với bảo hiểm y tế 

Theo quy định tại khoản 8 điều 23 Luật bảo hiểm y tế 2008 quy định rằng việc dùng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, nạo hút thai, phá thai (trừ trường hợp phải đình chỉ thai do nguyên nhân bệnh lý từ thai nhi hoặc sản phụ) sẽ thuộc danh sách các trường hợp không được hưởng bảo hiểm y tế.

Do vậy, nếu triệt sản khi sinh mổ thì bạn sẽ không được bảo hiểm y tế chi trả. 

3.2. Với bảo hiểm xã hội

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, nếu triệt sản bạn sẽ nhận được 100% bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng liền kề trước khi nghỉ việc để triệt sản và có thời gian nghỉ tối đa là 15 ngày. 

Nếu kết hợp sinh mổ và triệt sản thì có được hưởng thêm chế độ không? 

Trường hợp người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội thì thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản sẽ trùng với thời gian nghỉ hưởng chế độ khi triệt sản. Vì thế, nếu sinh mổ và triệt sản cùng lúc thì bạn sẽ không được nghỉ thêm. 

triệt sản khi sinh mổ có được bảo hiểm không

Triệt sản khi sinh mổ không được bảo hiểm y tế chi trả nhưng được hưởng quyền lợi từ bảo hiểm xã hội. 

4. Thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội khi triệt sản 

Để được bảo hiểm xã hội hỗ trợ, bạn cần chuẩn bị hồ sơ gồm:

  • Điều trị nội trú: Bản sao giấy ra viện, bản sao giấy chuyển tuyến hoặc chuyển viện (nếu có chuyển tuyến khám chữa bệnh).
  • Điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, giấy ra viện (bản sao) có chỉ định của bác sĩ cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú. 

Thủ tục hưởng bảo hiểm như sau:

Bạn nộp hồ sơ đã chuẩn bị trong vòng 45 ngày kể từ ngày quay lại làm việc. Cơ quản bảo hiểm sẽ tiếp nhận hồ sơ và bồi thường chi phí cho bạn trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ. 

5. Những chế độ khác dành cho người triệt sản 

Ngoài quyền lợi của bảo hiểm xã hội kể trên, người triệt sản còn có thể hưởng một số chế độ khác như: 

  • Nếu bạn đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 6 tháng, mức hưởng sẽ là bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm.
  • Mức trợ cấp hàng ngày sẽ được tính dựa trên mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày. Lưu ý, thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trên 14 ngày làm việc trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm.
  • Nhà nước sẽ hỗ trợ 300.000 đồng/người tự nguyện triệt sản và các chi phí đi lại khi đến cơ sở y tế triệt sản đối với các đối tượng như hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người dân sống tại xã thuộc tỉnh có tổng tỷ suất sinh trên 2,3 con, người làm việc trên biển từ 15 ngày trở lên.

Vậy là bài viết trên đã giải đáp được thắc mắc triệt sản khi sinh mổ có được bảo hiểm không. Nhìn chung, triệt sản khi sinh mổ chỉ được bảo hiểm xã hội hỗ trợ về chi phí và thời gian nghỉ việc, còn với bảo hiểm y tế thì sẽ không được chi trả. Bạn lưu ý làm hồ sơ, thủ tục đúng cách để được hưởng bảo hiểm xã hội nhé.