Theo luật Bảo hiểm Y tế, phụ nữ mang thai là đối tượng được hưởng nhiều đặc quyền trong khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, nhiều mẹ bầu chưa nắm rõ các danh mục khám thai được bảo hiểm chi trả. Bài viết này tổng hợp đầy đủ các thông tin về quyền lợi, chi phí mà mẹ bầu được bảo hiểm chi trả.
1. Tại sao phụ nữ có thai nên tham gia bảo hiểm?
Việc tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm xã hội (BHXH),… giúp đảm bảo các quyền lợi của phụ nữ mang thai. Đặc biệt, quỹ BHYT giúp gia đình chi trả một phần chi phí khám thai định kỳ, sinh nở và các dịch vụ thai sản khác. Bên cạnh đó, trường hợp cần khám và điều trị bất thường trong thai kỳ hay biến chứng thai sản, thai phụ cũng sẽ được BHYT chi trả.
Đối với thai phụ tham gia BHXH sẽ được nghỉ việc 5 lần, mỗi lần 1 ngày có tính lương để khám thai BHYT định kỳ tùy theo từng trường hợp. Ngoài ra, trường hợp phụ nữ mang thai ở xa cơ sở khám chữa bệnh, có bệnh lý hoặc thai có dấu hiệu bất thường thì sẽ được nghỉ 2 ngày cho mỗi lần khám thai.
Trong quá trình mang thai, việc tham gia bảo hiểm sẽ giúp thai phụ tiết kiệm nhiều chi phí.
2. Khám thai có được hưởng bảo hiểm không?
Tùy thuộc vào loại hình bảo hiểm tham gia như bảo hiểm y tế, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ,… thì thai phụ sẽ được hưởng mức chi trả khác nhau, cụ thể là:
2.1. Bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội
Theo điểm a, Khoản 1, Điều 22 Luật Bảo hiểm Y tế 2014, khám thai định kỳ là một trong những khoản được BHYT chi trả. Tuy nhiên, việc khám thai định kỳ phải được thực hiện theo đúng lịch hẹn với bác sĩ phụ trách và quy trình khám tiêu chuẩn của bệnh viện. Ngoài ra, nếu trường hợp mẹ bầu khám thai không theo định kỳ và không nhằm mục đích điều trị sẽ không được BHYT chi trả.
Mặc khác, theo Luật Bảo hiểm Xã hội 2014, lao động nữ mang thai khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ được hưởng chế độ thai sản, trong đó khám thai là một trong những quyền lợi thuộc chế độ này.
2.2. Bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ
Tùy thuộc vào gói bảo hiểm, điều khoản và điều kiện trong phạm vi hợp đồng,… mà các mẹ bầu có thể được nhận những quyền lợi khác nhau, trong đó có khám thai. Chính vì vậy, trước khi tham gia bảo hiểm, các mẹ nên tìm hiểu kỹ điều khoản hoặc có thể hỏi nhân viên tư vấn để chọn được loại bảo hiểm phù hợp.
Khám thai có được hưởng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội không? Câu trả lời là có, đồng thời thai phụ cần khám thai theo đúng lịch hẹn và quy trình khám thai tiêu chuẩn.
3. Các danh mục khám thai được bảo hiểm chi trả
Dưới đây là các danh mục trong khám, sinh con và các dịch vụ trong quá trình thai sản được các loại bảo hiểm chi trả:
3.1. Đối với bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội
Theo quy định, những mục bảo hiểm chi trả cho phụ nữ mang thai bao gồm khám thai định kỳ theo lịch hẹn trước, khám thai tại các cơ sở y tế công và xét nghiệm (khám thai) phục vụ cho mục đích điều trị. Ngoài ra, danh mục khám thai được bảo hiểm chi trả khác gồm: chi phí sinh con, sử dụng dịch vụ thai sản trọn gói của bệnh viện; chi phí đình chỉ thai kỳ, điều trị các tai biến sản khoa theo chỉ định của bác sĩ.
Bảo hiểm chi trả tiền khám thai sẽ dựa vào từng đối tượng khác nhau và có khám đúng tuyến hay không:
– Trường hợp khám đúng tuyến:
- 100% chi phí khám thai với các đối tượng thuộc lực lượng công an, quân đội; người nhận trợ cấp xã hội hàng tháng; người thuộc diện hộ nghèo, dân tộc đang sinh sống tại khu vực khó khăn, huyện đảo, vùng sâu, vùng xa.
- 95% chi phí trợ cấp khám thai cho các đối tượng như người nhận trợ cấp hàng tháng do mất sức lao động; thân nhân của người có công với cách mạng; người thuộc hộ cận nghèo.
- 85% chi phí dành cho các đối tượng còn lại.
– Trường khám trái tuyến:
- 40% chi phí khám thai tại bệnh viện tuyến trung ương.
- 100% chi phí khám thai từ ngày 01/01/2021 trong phạm vi cả nước tại bệnh viện thuộc tuyến tỉnh.
- 100% chi phí khám thai tại bệnh viện tuyến huyện.
3.2. Đối với bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ
Đối với bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm nhân thọ thì tùy vào từng loại bảo hiểm cụ thể sẽ có danh mục khám thai được bảo hiểm chi trả khác nhau. Trong đó, một số gói bảo hiểm có thể bao gồm các quyền lợi khám thai như:
- Khám thai định kỳ theo lịch trình khuyến nghị của bác sĩ.
- Siêu âm thai nhi, chọc ối, chẩn đoán trước sinh,…
- Khám và điều trị các biến chứng khi mang thai như tiền sản giật, thai ngoài tử cung, thai chết lưu,…
- Xét nghiệm máu, nước tiểu, dịch âm đạo, dịch niệu đạo, dịch cổ tử cung,… để kiểm tra các bất thường trước sinh.
Tùy vào loại hình bảo hiểm sẽ có danh mục khám thai được chi trả khác nhau, vì vậy, bạn nên tìm hiểu kỹ quy định trước khi tham gia.
4. Một số câu hỏi thường gặp
Sau khi đã nắm rõ các danh mục khám thai được bảo hiểm chi trả, bạn đừng nên bỏ qua các thông tin hữu ích xoay quanh vấn đề bảo hiểm trong thai kỳ:
4.1. Những trường hợp nào không được bảo hiểm chi trả chi phí khám thai?
Trong trường hợp thai phụ đến bệnh viện khám thai không theo đúng lịch trình chỉ định của bác sĩ, đồng thời thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán không nhằm mục đích điều trị hay hồi phục chức năng thì sẽ không được bảo hiểm chi trả.
4.2. Chọc ối có được thanh toán bảo hiểm không?
Chọc ối là một phương pháp nằm trong danh mục khám thai được bảo hiểm chi trả. Tuy nhiên, các thai phụ cần thực hiện chọc ối theo đúng chỉ định của bác sĩ thì sẽ được thanh toán toàn bộ chi phí nếu có thẻ BHYT và giấy tờ.
>> Xem thêm: Giải đáp chi tiết chọc ối có được bảo hiểm y tế thanh toán không
4.3. Siêu âm thai có được thanh toán bảo hiểm không?
Tham gia bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội, bạn đều có thể được bảo hiểm chi trả. Tuy nhiên, bạn chỉ được hưởng bảo hiểm theo các lần khuyến nghị siêu âm của bác sĩ, không áp dụng các lần siêu âm dịch vụ bên ngoài bệnh án.
Trên đây là toàn bộ các thông tin về danh mục khám thai được bảo hiểm chi trả bao gồm bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ,… Mong rằng qua bài viết này, các mẹ bầu đã có thêm nhiều kiến thức bổ ích hỗ trợ quá trình mang thai tốt hơn.