[Giải đáp] Sinh đôi có được hưởng bảo hiểm gấp đôi không?

Tác giả: Huy Nguyễn

sinh đôi có được hưởng bảo hiểm

Chế độ thai sản là một trong những quyền lợi cơ bản nhất, có liên quan trực tiếp đến người lao động nữ. Trong đó, sinh đôi có được hưởng bảo hiểm gấp đôi không là điều mà nhiều lao động nữ thắc mắc. Hãy cùng tìm hiểu câu trả lời chi tiết trong bài viết sau. 

1. Tổng quan về chế độ thai sản của bảo hiểm xã hội

Chế độ thai sản là quyền lợi cơ bản của người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc (bao gồm cả lao động nam và nữ). Chế độ này nhằm mục đích hỗ trợ một phần thu nhập và bảo đảm sức khỏe cho người lao động nữ trong quá trình mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ và người lao động nam về việc chăm sóc và thực hiện các biện pháp tránh thai khi có vợ sinh con.

sinh đôi có được hưởng bảo hiểm gấp đôi không

Chế độ thai sản là một trong những quyền lợi cơ bản của người lao động nam lẫn nữ khi tham gia BHXH.

2. Sinh đôi có được nhà nước hỗ trợ không?

Câu trả lời là ĐƯỢC. Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội, lao động nữ sinh đôi sẽ được nhà nước hỗ trợ tối đa các quyền lợi sau:

  • Tổng thời gian lao động nữ mang thai sinh đôi được nghỉ là 07 tháng. Riêng khoảng thời gian nghỉ trước khi sinh không vượt quá 02 tháng.
  • Lao động nữ sinh con được trợ cấp 1 lần cho mỗi con là 02 lần mức lương cơ sở tại tháng mà lao động nữ sinh con.
  • Mức hưởng trợ cấp một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Nếu thời gian đóng BHXH không liên tục hoặc chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng trợ cấp được cộng dồn từ tất cả các tháng đã đóng BHXH.
  • Trong thời gian mang thai, lao động nữ được phép nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày. Riêng một số trường hợp (như ở xa cơ sở khám thai, người mang thai đang mắc bệnh lý, thai gặp bất thường…), người lao động nữ được phép nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.

3. Sinh đôi có được hưởng bảo hiểm gấp đôi không?

Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội quy định tiền trợ cấp một lần được tính theo số con mà lao động nữ sinh ra. Trong đó, khoản trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con. Vì vậy:

  • Khi sinh 01 con, lao động nữ được hưởng trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở.
  • Còn khi sinh đôi, lao động nữ được hưởng trợ cấp một lần bằng 4 lần mức lương cơ sở.

Ví dụ: Mức lương cơ sở của người lao động trong năm 2023 là 1.800.000 VNĐ/tháng.

>> Trợ cấp thai sản một lần khi sinh 1 con trong năm 2023 là: 2 x 1.800.000 = 3.600.000 VNĐ.

>> Trợ cấp thai sản một lần khi sinh đôi trong năm 2023 là: 4 x 1.800.000 = 7.200.000 VNĐ.

sinh đôi có được nhà nước hỗ trợ không

Người lao động nữ sinh đôi được hỗ trợ bảo hiểm gấp đôi so với lao động nữ sinh 01 con.

Bên cạnh đó, lao động nữ sinh đôi còn nhận được nhiều quyền lợi ở tổng thời gian nghỉ thai sản và trợ cấp sinh con. Mời bạn đọc tìm hiểu chi tiết ở phần tiếp theo!

4. Vậy phụ nữ sinh đôi được hưởng bảo hiểm như thế nào?

Dưới đây là những chế độ thai sản cụ thể mà người lao động nữ sẽ nhận được khi sinh đôi:

4.1 Về thời gian nghỉ

Theo Khoản 1 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản tối đa 07 tháng (bao gồm cả trước và sau khi sinh). Trong đó, tổng thời gian nghỉ việc trước khi sinh tối đa 02 tháng.

Ngoài ra, nếu hết 07 tháng thai sản kể trên nhưng sức khỏe của lao động nữ chưa hồi phục hoàn toàn thì có thể tiếp tục nghỉ dưỡng sức tối đa 10 ngày.

4.2 Tiền trợ cấp thai sản khi nghỉ

Theo Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội, với trường hợp sinh đôi, lao động nữ được hưởng trợ cấp một lần bằng 4 lần mức lương cơ sở thay vì 2 lần như phụ nữ sinh một con. 

Bên cạnh đó, theo Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, tiền trợ cấp thai sản theo số tháng nghỉ được tính bằng tích số giữa 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH 06 tháng trước khi nghỉ và số tháng nghỉ sinh.

Ví dụ: Chị A mang thai đôi, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH 06 tháng trước khi nghỉ của chị là 5.000.000 VNĐ. 

>> Tiền trợ cấp thai sản theo số tháng là: 100% x 5.000.000 x 7 = 35.000.000 VNĐ.

Muốn tính toán được mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH trước khi nghỉ việc sinh con, người lao động có thể áp dụng công thức bên dưới:

Công thức tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH 06 tháng trước khi nghỉ sinh = (Mức lương đóng BHXH x Số tháng đóng BHXH tương đương với mức lương đóng BHXH) / 6

Cụ thể: 

  • Trong trường hợp mức lương đóng BHXH trong 06 tháng trước nghỉ sinh không có sự thay đổi (gọi mức lương đóng BHXH là A) thì công thức tính là (A x 6) / 6.

Ví dụ 1: Mức lương đóng BHXH trong 06 tháng trước khi sinh của chị A là 5.000.000 VNĐ/tháng. 

>> Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH là: (5.000.000 x 6) / 6 = 5.000.000 VNĐ.

  • Nhưng nếu mức lương đóng BHXH có sự thay đổi trong từng giai đoạn (gọi mức lương đóng BHXH lần lượt là A và A’) thì công thức tính là (A x số tháng nhận được mức lương A + A’ x số tháng nhận được mức lương A’) / 6. 

Ví dụ 2: Thời gian đóng BHXH trước khi sinh của chị A gồm 2 giai đoạn là 5.000.000 VNĐ (trong 03 tháng) và 7.000.000 VNĐ (trong 03 tháng).

>> Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH là: (5.000.000 x 3 + 7.000.000 x 3) / 6 = 6.000.000 VNĐ.

4.3 Tiền trợ cấp dưỡng sức sau thai sản

Căn cứ Khoản 2 Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội, tiền chế độ dưỡng sức của lao động nữ sinh đôi mỗi ngày sau khi kết thúc chế độ thai sản 07 tháng bằng 30% mức lương cơ sở.

Ví dụ: Chị A mang thai đôi vào năm 2021. Mức lương cơ sở áp dụng vào năm 2021 là 1.490.000 VNĐ/tháng. Thời gian nghỉ dưỡng sức 10 ngày.

>> Trợ cấp dưỡng sức khi sinh đôi là: 30% x 1.490.000 x 10 = 4.470.000 VNĐ.

5. Người chồng có được hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh đôi không?

Khi có vợ sinh con, người chồng nếu đã tham gia BHXH bắt buộc cũng được hưởng chế độ thai sản tương tự, nhằm mang lại điều kiện chăm sóc vợ con tốt nhất. 

Cụ thể, theo quy định tại Khoản 2 Điều 34 Luật BHXH năm 2014, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày vợ sinh con, lao động nam được phép nghỉ từ 5 – 14 ngày làm việc tùy từng trường hợp. Chẳng hạn: 

  • Nếu vợ sinh thường, lao động nam được nghỉ 05 ngày làm việc.
  • Nếu vợ sinh mổ, con dưới 32 tuần tuổi, lao động nam được nghỉ 07 ngày làm việc.
  • Nếu vợ sinh đôi, lao động nam được nghỉ 10 ngày làm việc. 
  • Nếu vợ sinh ba trở lên, cứ thêm mỗi con, lao động nam được nghỉ thêm 03 ngày làm việc.
  • Nếu vợ sinh đôi trở lên, phải phẫu thuật, lao động nam được nghỉ 14 ngày làm việc.

sinh đôi được hưởng bảo hiểm như thế nào

Người lao động nam cũng được hưởng chế độ thai sản để chăm sóc vợ khi sinh con.

Riêng mức hưởng chế độ thai sản cho lao động nam có vợ sinh con sẽ áp dụng theo quy định tại Khoản 1 Điều 39 Luật BHXH năm 2014. Công thức tính như sau:

Mức hưởng =  Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH 06 tháng / 24 ngày công x 100% x Số ngày được nghỉ

Ví dụ: Lao động nam có mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản là 5.000.000 VNĐ và được nghỉ 07 ngày.

>> Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH 06 tháng là: (5.000.000 x 6) / 6 = 5.000.000 VNĐ.

>> Mức hưởng chế độ thai sản trong 7 ngày là: 5.000.000 / 24 x 100% x 7 = 1.458.000 VNĐ.

Hy vọng các chia sẻ hữu ích kể trên giúp bạn đọc giải đáp thắc mắc sinh đôi có được hưởng bảo hiểm gấp đôi không. Qua đó, người lao động nam và nữ có thể bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình trong khoảng thời gian làm việc.