Bài học xuất khẩu hàng Việt sang thị trường Nhật từ câu chuyện Chinsu

Tác giả: admin

chinsu tương ớt

Đầu tháng 4/2019, thông tin từ chính quyền TP Osaka (Nhật Bản) cho biết đã dừng lưu thông hơn 18.000 chai tương ớt Chinsu vì nhãn ghi trên sản phẩm có chứa chất phụ gia thực phẩm chưa được kiểm định.

Tuy nhiên sau đó 4 tháng, Masan được phép chính thức xuất khẩu sản phẩm sang Nhật. Vậy thực hư lô hàng tương ớt chinsu xuất Nhật trước đó có phải là của Masan hay không? Masan đã làm gì để chinh phục được thị trường “khó tính” này?

Masan lên tiếng vụ việc Chinsu bị thu hồi tại Nhật

Toàn bộ 3 lô hàng với 757 thùng, 18.168 chai tương ớt nhãn hiệu Chinsu (của Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan) do Công ty Javis Co., Ltd. nhập khẩu vào Nhật Bản đã bị thu hồi. Chính quyền TP Osaka đưa ra lý do thu hồi là vì “vi phạm ghi nhãn không đầy đủ” do có sử dụng chất phụ gia thực phẩm axit benzoic (INS 210) chưa được kiểm định sử dụng tại Nhật.

Đứng trước thông tin này, đại diện Masan nói “Hiện chúng tôi chỉ chính thức xuất khẩu trực tiếp sản phẩm tương ớt Chin su sang các thị trường Mỹ, Canada, Úc, Nga, Cộng hòa Czech, Trung Quốc, Đài Loan”. Tại thời điểm đó, Masan chưa từng xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp tương ớt Chinsu cho Công ty Javis Co., Ltd.

Nhãn mác của lô hàng này có dòng chữ “Exclusively for sale in Vietnam. Exports are not authorised” (chỉ dành riêng cho thị trường Việt Nam, không dành cho xuất khẩu). Nếu xuất khẩu trực tiếp vào Nhật, sản phẩm tương ớt Việt sẽ phải tuân thủ quy định ghi nhãn của Nhật. Masan cho rằng Công ty Javis Co., Ltd. có thể đã nhập khẩu nhầm sản phẩm lưu hành nội địa của Masan hoặc hàng hóa không rõ nguồn gốc.

tương ớt mang thương hiệu Việt
Masan khẳng định không bán tương ớt Chinsu cho đối tác bị Nhật thu hồi
Masan Chinsu: Đế chế hàng tiêu dùng có lung lay sau những lùm xùm?

Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) luôn giữ vững vị trí trong top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam (theo thống kê 2016 của Forbes). Trong đó, Masan Chinsu là thương hiệu chủ lực giúp Masan được biết đến rộng rãi và chiếm lĩnh…

Tiêu chuẩn an toàn thực phẩm tại mỗi quốc gia khác nhau

Vụ việc trên đã thực sự thu hút sự quan tâm đặc biệt từ phía dư luận. Người tiêu dùng không khỏi thắc mắc vì sao Nhật cấm axit benzoic trong tương ớt còn Việt Nam thì không?

Để làm rõ hơn về việc kiểm soát phụ gia và chất bảo quản trong thực phẩm, bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế cho biết “Tùy thuộc vào mỗi quốc gia, việc quy định sử dụng phụ gia thực phẩm cũng sẽ khác nhau, trên cơ sở thói quen sử dụng sản phẩm, công nghệ sản xuất. Do đó, không loại trừ việc một chất được chấp nhận tại quốc gia này nhưng không chấp nhận ở quốc gia khác”.

Người tiêu dùng cần nắm rõ một số thông tin:

Axit benzoic thuộc nhóm phụ gia thực phẩm, có tác dụng chống lại vi sinh vật, đặc biệt là nấm mốc. Ngoài tương ớt, axit benzoic còn được dùng trong sữa lên men, hoa quả ngâm giấm hoặc ngâm đường, bánh kẹo, nước trái cây… Đây là chất có trong danh mục phụ gia bảo quản của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex). 

Mục đích các tiêu chuẩn của Codex là bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đảm bảo hành vi trung thực trong mua bán thực phẩm. Hiện có 186 nước trên thế giới dùng theo tiêu chuẩn chung của Codex, trong đó có Việt Nam, Nhật Bản, Mỹ, Australia, Canada…

Tại Nhật Bản, axit benzoic không được sử dụng trong tương ớt không có nghĩa là bị cấm trong tất cả các loại thực phẩm. Thực tế là đất nước này vẫn cho phép dùng axit benzoic trong chế biến bơ thực vật, nước tương, trứng cá muối, đồ uống không cồn…

Tại Việt Nam, axit benzoic được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm khác nhau. Theo Thông tư 27/2012/TT-BYT ngày 30.11.2012 về quản lý phụ gia thực phẩm, hàm lượng axit benzoic được dùng với hàm lượng tối đa 1 g/kg sản phẩm tương ớt là an toàn. Trong khi đó, hàm lượng axit benzoic có trong tương ớt Chinsu chỉ ở mức 0,41 – 0,45g/kg, thấp hơn tiêu chuẩn cho phép gấp nhiều lần.

Theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), cho đến thời điểm này, Masan không sai trong việc sử dụng chất phụ gia axit benzoic vào sản phẩm tương ớt.

Ngày 11/04/2019, Masan đã có văn bản báo cáo gửi đến các cơ quan quản lý liên quan đến vụ việc sản phẩm bị thu hồi tại Nhật. Trong báo cáo, Masan nhấn mạnh sản phẩm của Chinsu luôn tuân thủ các quy định của Việt Nam và Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) về ghi nhãn, thành phần và việc sử dụng phụ gia thực phẩm. 

Bài học xuất khẩu hàng Việt sang Nhật Bản

Từ câu chuyện tương ớt Chinsu xuất Nhật bị thu hồi cho thấy hệ thống tiêu chuẩn chất lượng của các nước luôn có sự khác biệt. Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu thực phẩm cần tuân theo một số quy định của nước sở tại.

Nhật Bản tuy là thị trường tiềm năng để các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa, thực phẩm, nhưng lại có những quy định chặt chẽ dường như trở thành rào cản lớn. Quốc gia này có hẳn một bộ luật riêng về tiêu chuẩn áp dụng cho hàng công nghiệp và nông nghiệp nhập khẩu.

Cụ thể, tất cả chất phụ gia dành cho thực phẩm phải được thông qua quyết định của Bộ trưởng Bộ Sức khỏe và Lao động. Trong danh sách chất phụ gia dành cho thực phẩm bắt buộc phải ghi rõ mục đích thêm chất phụ gia, đối tượng sử dụng và hàm lượng cho phép với mỗi nhóm đối tượng khác nhau.

tương ớt chinsu xuất nhật thành công
Người Nhật cho rằng, sản phẩm an toàn cũng là sản phẩm có chất lượng tốt

Nhật Bản rất đề cao tính an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần đáp ứng tốt yêu cầu về chất phụ gia, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các tạp chất từ nguyên liệu gốc, các tiêu chuẩn được chấp nhận về nguyên liệu như chất lượng, độ tươi mới, bảng liệt kê chi tiết nguyên liệu sử dụng, thành phần có khả năng gây dị ứng… và rất nhiều yếu tố khác để có thể tiếp cận thị trường. 

Ngày 3/8/2019, tương ớt Chinsu chính thức được xuất khẩu và kinh doanh tại Nhật Bản. Đại diện Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan – ông Phạm Hồng Sơn cho biết trải qua một thời gian dài để tìm hiểu về ẩm thực và những quy định khắt khe, sản phẩm cuối cùng cũng đã chinh phục được thị trường Nhật Bản. Về phía nhà nhập khẩu Imai Limited, Tổng giám đốc Jorge Imai cũng chia sẻ sản phẩm đã được thẩm định và kiểm tra nghiêm ngặt trước khi đến tay người tiêu dùng Nhật Bản.

Như vậy sau vụ lùm xùm, sự kiện tương ớt Chinsu xuất Nhật được xem là cột mốc quan trọng của Masan trên con đường chinh phục ẩm thực thế giới, mang tương ớt thương hiệu Việt đến với nhiều thị trường lớn và tiềm năng.