Tổng hợp nguyên nhân khiến hồ sơ vay tín chấp bị từ chối

Tác giả: Le Huong

hồ sơ vay tín chấp bị từ chối

Mặc dù hiện nay các ngân hàng và tổ chức tín dụng đều triển khai chương trình vay tín chấp rộng rãi nhằm phục vụ cho các mục đích tiêu dùng cá nhân hoặc kinh doanh của khách hàng. Tuy nhiên trên thực tế lại có không ít hồ sơ vay tín chấp bị từ chối vì nhiều lý do khác nhau. Do đây là hình thức vay tiềm ẩn nhiều rủi ro, không có tài sản đảm bảo nên bộ phận thẩm định của các đơn vị cho vay xử lý khắt khe hơn. Những hồ sơ vay tín chấp bị từ chối thì đến 6 tháng sau mới có thể đăng ký vay lại được. 

hồ sơ vay tín chấp bị từ chối
Có rất nhiều hồ sơ vay tín chấp bị từ chối vì nhiều lý do từ phía người đi vay

Quá trình thẩm định hồ sơ vay tín chấp

1. Ngân hàng nhận hồ sơ vay của khách hàng, chuyển đến nhân viên scan hồ sơ lên hệ thống.

2. Nhân viên thẩm định kiểm tra và xem xét hồ sơ của khách hàng.

3. Nhân viên gọi điện đến 2 người để xác minh thông tin. 2 người này là do khách hàng cung cấp trong hồ sơ vay

4. Tiến hành thẩm định nơi làm việc của người đi vay, gọi điện hoặc đến trực tiếp.

5. Lựa chọn hỗ trợ khoản vay cho phù hợp và liên hệ với khách hàng xác minh khoản vay.

6. Khách hàng đồng ý, làm hồ sơ giải ngân.

Lý do vì sao hồ sơ vay tín chấp bị từ chối?

1. Không nộp đủ giấy tờ cần thiết

Không đủ giấy tờ trong hồ sơ, mang thiếu giấy tờ hoặc giấy tờ không chuẩn khi đến làm việc với ngân hàng. Đó là những điều tưởng chừng như đơn giản nhưng cũng dễ gặp sai sót nhất. Trong một bộ hồ sơ đi vay gồm có các giấy tờ: CMND, giấy tờ nhà, hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy đăng ký kết hôn (nếu có), bằng chứng chứng mình tình trạng tài chính…Lưu ý, nếu chuẩn bị bản photo thì nhất định phải có bản gốc đối chiếu. Tùy vào điều kiện của mỗi đơn vị cho vay và gói vay sẽ quy định những giấy tờ cần thiết cụ thể.

2. Không có địa chỉ nhà cụ thể

Những khách hàng cư ngụ tại khu vực TPHCM đa số hồ sơ vay tín chấp bị từ chối. Họ mắc phải một lỗi chung là khai địa chỉ tạm trú lung tung. Ngoài ra, có những khách hàng khai địa chỉ tạm trú có số nhà cụ thể. Thế nhưng trong hộ khẩu cũ thì lại không ghi. Nếu bạn thực sự rơi vào trường hợp này, hãy giải thích rõ để nhân viên thẩm định hiểu.

3. Khách hàng có nợ xấu

hồ sơ vay tín chấp bị từ chối
Lịch sử tín dụng xấu đều gây bất lợi cho bạn khi đi vay, nhất là vay tín chấp

Vay tín chấp là hình thức vay không cần tài sản đảm bảo. Khi đó các ngân hàng chỉ dựa vào uy tín cá nhân và uy tín công ty của người đi vay. Do đó bộ phận thẩm định rất chú trọng đến các khoản vay trước của khách hàng. Lịch sử tín dụng của mỗi khách hàng sẽ được lưu tại Trung tâm tín dụng trực thuộc ngân hàng nhà nước Việt Nam (CIC). Thông qua CIC, các ngân hàng có thể kiểm tra hiện bạn đang có nợ xấu ở tổ chức tín dụng nào hay không. Nếu bạn thuộc đối tượng nợ xấu nhóm 2, ngân hàng sẽ hạn chế nhận hồ sơ. Còn nếu bạn thuộc nợ xấu nhóm 3 trở lên thì hầu như không có cơ hội vay được.

4. Làm hồ sơ giả

Trên thực tế có những bộ hồ sơ nhìn qua thì có vẻ hợp lệ nhưng trong đó lại là những giấy tờ giả. Phổ biến nhất là tình trạng mua hợp đồng lao động giả. Bởi nhiều người không đủ điều kiện vay tín chấp theo lương. Tuy nhiên mỗi ngày bộ phận thẩm định làm việc với hàng trăm bộ hồ sơ nên những khách hàng đó chắc chắn không thể qua mặt được họ.

5. Khoản vay vượt quá khả năng chi trả

Một trong những nguyên nhân phổ biến khiến hồ sơ vay tín chấp bị từ chối là khoản vay quá lớn trong khi thu nhập hàng tháng của người đi vay lại không tương xứng. Nhân viên ngân hàng sẽ có cách tính xem sau khi trừ đi mọi chi phí sinh hoạt thì bạn có đủ tiền để chi trả cho khoản vay hay không. Chẳng hạn, thu nhập của bạn 10 triệu/tháng, chi phí sinh hoạt 6 triệu/tháng. Khoản tiền hàng tháng bạn phải đóng cho khoản vay lớn hơn 4 triệu. Tất nhiên khả năng hồ sơ vay của bạn sẽ bị đánh rớt rất cao.

hồ sơ vay tín chấp bị từ chối
Nhân viên ngân hàng có công thức tính xem bạn có khả năng chi trả cho khoản vay hay không

6. Đi vay hộ người khác

Ngân hàng nhà nước có quy định nếu người đi vay không sử dụng số tiền vay với mục đích cho mình mà là vay hộ người khác, hồ sơ đó sẽ không được duyệt. Điều luật được đặt ra nhằm đảm bảo độ chính xác, an toàn của khoản vay. Đồng thời ngân hàng cần xác định trách nhiệm pháp lý rõ ràng đối với đối tượng sở hữu vốn vay. Vì thế nếu bạn đang có nhu cầu cần tiền vay, hãy đến làm việc trực tiếp với đơn vị cho vay.

7. Nộp hồ sơ cho nhân viên chưa nhiều kinh nghiệm

Nhân viên chưa dày dặn kinh nghiệm có thể tư vấn cho bạn không cụ thể và chi tiết. Từ đó sinh ra nhiều rắc rối trong quá trình làm thủ tục vay, gây mất thời gian nhưng hồ sơ lại không được duyệt. Thậm chí có nhiều trường hợp nhân viên ngân hàng lừa đảo đã xảy ra: vòi tiền khách hàng để đảm bảo hồ sơ luôn đậu, đòi tiền cọc khách hàng để làm hồ sơ…

8. Nộp hồ sơ ở quá nhiều ngân hàng vào cùng thời điểm

Do tâm lý quá nôn nóng cần khoản vay, một số người đã gửi hồ sơ vay tín chấp ở nhiều nơi. Kết quả là bị phát hiện ra và hồ sơ bị đánh rớt trong quá trình thẩm định. Vì thế để tránh hồ sơ vay tín chấp bị từ chối, bạn cần biết kiên nhẫn chờ đợi. Nếu không yên tâm, bạn có thể liên hệ với nhân viên thẩm định để hỏi về tình trạng hồ sơ của mình.

Bạn cần làm gì khi hồ sơ vay tín chấp bị từ chối?

1. Tìm hiểu nguyên nhân hồ sơ bị đánh rớt

Khi nhận được thông tin hồ sơ vay không được duyệt, bạn nên hỏi lại lý do vì sao. Bởi hồ sơ tín chấp bị từ chối thì đến một khoảng thời gian nhất định sau mới được làm lại. Nếu do điểm tín dụng xấu bạn nên cải thiện lại tình hình tài chính của mình.

2. Kiểm tra báo cáo tín dụng thường xuyên

Bạn có thể yêu cầu CIC để cấp báo cáo tính dụng cho bạn kiểm tra. Hãy chú ý xem có khoản giao dịch nào bất thường không? Thẻ tín dụng có bị đánh cắp thông tin hay không? Một khi có sai sót, bạn cần liên hệ để cập nhật ngay!

3. Nâng cao điểm tín dụng

– Giảm dư nợ, giữ mức chi tiêu tín dụng không vượt quá 30% là những cách để bạn cải thiện điểm tín dụng hiệu quả.

– Tiếp tục duy trì thẻ tín dụng, đừng hủy thẻ ngay sau khi đã trả hết dư nợ. Bởi sử dụng thẻ càng lâu thì lịch sử tín dụng càng tốt.

– Ngân hàng có thể xem việc bạn kích hoạt quá nhiều thẻ tín dụng cùng một lúc là dấu hiệu bạn đang thiếu tiền. Họ sẽ đánh giá thấp điểm tín dụng của bạn.

hồ sơ vay tín chấp bị từ chối
Mở quá nhiều thẻ tín dụng cùng lúc làm hạn chế cơ hội vay

4. Tìm đến với ngân hàng hoặc tín dụng khác

Nếu nguyên nhân khiến hồ sơ vay tín chấp của bạn bị từ chối là do điểm tín dụng thấp hoặc có nợ xấu thì dù là gửi hồ sơ đến đâu cũng rất khó được chấp nhận. Còn nếu lý do vay thất bại là do bạn thiếu giấy tờ, người đi vay không phải là bạn, nhân viên tư vấn chưa rõ ràng dẫn đến sơ suất…bạn có thể chuẩn bị lại thật kỹ hồ sơ và nộp vào tổ chức tín dụng, ngân hàng khác.

Như vậy khi vay tín chấp, bạn cần biết kiên nhẫn và đừng nên quá nôn nóng. Thêm một hồ sơ vay tín chấp bị từ chối tức là thêm một điểm xấu trong lịch sử tín dụng. Điều này sẽ khiến nhu cầu vay thêm các khoản trong tương lai của bạn gặp khó khăn hơn. Do đó trước khi nộp hồ sơ bạn nên tìm hiểu thật kỹ để tránh những sai sót không mong muốn.

Theo Taichinh.online tổng hợp