Những điều cần biết về bảo hiểm ô tô

Tác giả: admin

bảo hiểm ô tô

Khi sở hữu một chiếc ô tô và muốn lưu thông trên đường, bạn cần mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự theo đúng quy định của Luật giao thông đường bộ. Ngoài ra đối với dịch vụ bảo hiểm ô tô còn có những loại hình bảo hiểm tự nguyện khác để chủ xe có thể lựa chọn nhằm giảm thiểu những thiệt hại đến mức thấp nhất. 

1. Vì sao nên mua bảo hiểm ô tô?

Bảo hiểm ô tô là loại bảo hiểm kết hợp nhiều loại hình bảo hiểm về con người, tài sản, hàng hóa vận chuyển có liên quan đến chiếc xe ô tô đó. Công ty bảo hiểm chịu trách nhiệm chi trả cho những thiệt hại, tổn thất do rủi ro bất ngờ xảy ra theo đúng hợp đồng bảo hiểm.

Hiện nay, thực trạng giao thông đường bộ nước ta đang ngày càng trở nên phức tạp. Khi sử dụng xe, có thể bạn không tránh khỏi những lần va quẹt hoặc gặp tai nạn do ý thức người tham gia giao thông, hệ thống cầu đường không chắc chắn, do thời tiết…Điều đáng nói là mức phí thanh toán cho những lần gặp rủi ro đó không hề ít chút nào.

bảo hiểm ô tô

Chính vì thế mà bạn nên mua bảo hiểm cho xe của mình để khi có sự cố không mong muốn thì sẽ được bồi thường cũng như sửa chữa hợp lý. Tuy nhiên, khi tham gia vào bảo hiểm thì bạn cần đọc kỹ càng và cẩn thận những điều khoản viết trên hợp đồng để khi có vấn đề thì sẽ được xử lý công bằng.

2. 4 hình thức bảo hiểm ô tô phổ biến

Trên thị trường hiện nay có 4 hình thức bảo hiểm ô tô thông dụng tại hầu hết các công ty bảo hiểm là:

  • Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới
  • Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe đối với hàng hóa vận chuyển
  • Bảo hiểm thiệt hại vật chất xe cơ giới
  • Bảo hiểm người ngồi trên xe và tai nạn lái phụ xe.

1. Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới

Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là bảo hiểm bắt buộc do nhà nước quy định. Theo đó, người thứ ba nếu không may bị chủ xe lái xe gây thiệt hại thì vẫn có thể được bảo vệ quyền lợi cho mình. Khi tham gia gói bảo hiểm này thì công ty bảo hiểm sẽ thanh toán toàn bộ số tiền mà người chủ đáng lẽ phải bồi thường theo luật đối với người thứ ba cũng như hành khách trên xe theo hợp đồng vận chuyển.

Với những thiệt hại về người thì bảo hiểm sẽ chi trả các chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, phục hồi sức khỏe, mai táng…và mức độ lỗi của chủ xe. Với thiệt hại về tài sản thì tính trên cơ sở thiệt hại thực tế và lỗi người chủ. Người mua bảo hiểm cũng sẽ được thanh toán những chi phí hợp lý trong quá trình ngăn ngừa hay cố gắng hạn chế tổn thất liên quan tới tai nạn như gọi cứu hỏa chẳng hạn.

Ngoài loại hình bảo hiểm này bắt buộc các chủ xe cơ giới khi tham gia giao thông trên lãnh thổ đất nước Việt Nam phải tham gia, 3 loại hình bảo hiểm còn lại là tự nguyện và tùy theo mong muốn của chủ xe.

2. Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe đối với hàng hóa vận chuyển trên xe

Đối với ô tô tải được dùng chủ yếu để vận chuyển hàng hóa thì chủ xe nên mua loại hình bảo hiểm này. Khi có bất kỳ rủi ro nào xảy ra, công ty bảo hiểm sẽ thanh toán cho chủ xe số tiền mà chủ xe phải bồi thường những chi phí mất mát và tổn thất hàng hóa theo quy định của Bộ Luật dân sự. Tổng mức trách nhiệm của công ty bảo hiểm được ghi trên giấy chứng nhận bảo hiểm. Ngoài ra, công ty bảo hiểm còn có trách nhiệm về các chi phí cần thiết, xếp dỡ, bảo quản, lưu kho, lưu bãi hàng hóa…nhằm giảm thiểu những tổn thất trong quá trình vận chuyển.

bảo hiểm ô tô

Công ty bảo hiểm không chịu trách nhiệm với các trường hợp riêng:

  • Hàng hóa lưu thông trái quy định
  • Tổn thất không phải do xe lật đổ hay đâm va, mà do bị xô lệch trong lúc vận chuyển
  • Xe chở quá trọng tải cho phép
  • Xe vận chuyển chất nổ hoặc hàng cấm
  • Tổn thất do cơ quan nhà nước bắt giữ xe.

3. Bảo hiểm thiệt hại vật chất xe

Đối tượng bảo hiểm của loại hình này là bản thân xe ô tô tham gia giao thông, bao gồm thân vỏ và máy móc của xe.

Điều kiện tham gia bảo hiểm: người chủ xe được cấp giấy phép đăng ký xe, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật của xe….Do xe ô tô được cấu tạo từ nhiều bộ phận, chi tiết máy mọc nên các công ty bảo hiểm thường đưa ra nhiều dạng bảo hiểm: bảo hiểm toàn phần (toàn bộ xe), bảo hiểm một phần của xe (bảo hiểm thân vỏ xe, bảo hiểm vỡ kính).

Công ty bảo hiểm chịu trách nhiệm chi trả cho: rủi ro gắn liền với hoạt động xe (lật đổ, đam va), rủi ro bất thường (cháy nổ, động đất, mưa đá, sụt lở…), rủi ro mang tính chất xã hội (đập phá, mất cắp, cướp xe).

bảo hiểm ô tô

Theo quy định, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không bồi thường cho những tổn thất do: hành vi cố ý gây tai nạn của chủ xe hoặc tài xế, do hậu quả mang tính chính trị (chiến tranh, khủng bố), tai nạn xảy ra ngoài vùng lãnh thổ (trừ phi có thỏa thuận riêng), hao mòn tự nhiên…

4. Bảo hiểm người ngồi trên xe và tai nạn lái phụ xe

Trong 4 hình thức bảo hiểm ô tô, chỉ có loại hình bảo hiểm này dành cho đối tượng người ở trên chiếc xe. Nếu chẳng may người được bảo hiểm (tài xế, phụ xe, những người được chở trên xe) gặp tai nạn trong quá trình tham gia giao thông khiến bị thương tật hoặc tử vong, công ty bảo hiểm chịu trách nhiệm thanh toán cho thiệt hại này. Về mức phí bảo hiểm là do thỏa thuận giữa đơn vị bảo hiểm và chủ xe, có ghi rõ trong hợp đồng.

Công ty bảo hiểm không chịu trách nhiệm thanh toán cho những thiệt hại: do hành động cố ý hoặc sai sót, thiệt hại do người được bảo hiểm đang bị say rượu bia hoặc dùng chất kích thích, do người lái xe điều khiển xe trong tình trạng không có giấy phép lái xe hợp lệ.

Khách hàng có nên chọn mức miễn thường trong bảo hiểm ô tô?

Mức miễn thường là một điều khoản không bắt buộc trong bảo hiểm ô tô. Tuy nhiên các công ty bảo hiểm thường khuyến khích người tham gia bảo hiểm với mức miễn thường nhất định. Khi đó khách hàng phải tự trả một khoản chi phí trước khi công ty bảo hiểm trả cho những tổn thất có thể xảy ra.

Dưới góc độ của công ty bảo hiểm, mức miễn thường giúp giảm các khoản bồi thường cho tổn thất nhỏ, tập trung nguồn lực cho những tổn thất lớn.

Dưới góc độ của khách hàng, hiểu đơn giản: nếu tổn thất, chi phí sửa chữa xe bằng hoặc dưới mức miễn thường thì công ty bảo hiểm không chi trả cho khoản chi phí này. Ngược lại chi phí cao hơn mức miễn thường, công ty bảo hiểm có trách nhiệm chi trả cho khoản chênh lệch đó.

Ví dụ: bạn mua bảo hiểm có mức miễn thường là 3 triệu đồng. Nếu chi phí sửa xe từ 3 triệu đồng trở xuống, công ty bảo hiểm không thanh toán chi phí này. Tuy nhiên nếu tổn thất hơn 3 triệu, cụ thể là 4 triệu, công ty bảo hiểm sẽ thanh toán cho khách hàng 1 triệu chênh lệch. Và tất nhiên nếu tổn thất lên đến tận 100 triệu, người mua bảo hiểm chỉ chịu 3 triệu, còn công ty bảo hiểm sẽ gánh cả 97 triệu đồng.

bảo hiểm ô tô

Thông thường nếu khách hàng chọn mức miễn thường càng cao, tỷ lệ phí bảo hiểm càng thấp. Chẳng hạn: Khi không có mức miễn thường, phí bảo hiểm là 13.680.000 đồng. Chọn mức miễn thường 1.000.000 đồng, phí bảo hiểm chỉ còn 11.340.000 đồng. Nếu chọn miễn thường ở mức 2.000.000 đồng, phí bảo hiểm 10.440.000 đồng.

Lợi ích tiếp theo mà khách hàng nhận được là khi chọn mức miễn thường thì được hưởng một số dịch vụ chăm sóc chu đáo. Đối với những tài xế lái xe an toàn, số lần bồi thường ít sẽ được các công ty ưu đãi giảm phí cho những năm mua bảo hiểm tiếp theo.

Hiện nay có nhiều chủ xe còn e ngại mình sẽ “lỗ vốn” khi mua bảo hiểm ô tô. Tuy nhiên một số người khác lại nghĩ rằng bảo hiểm chính là “lá bùa hộ mệnh” phòng xa tránh họa gần bởi khi lưu thông trên đường tai nạn có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Như vậy ngoài bảo hiểm dân sự bắt buộc phải mua, thiết nghĩ các chủ xe cũng nên mua những hình thức bảo hiểm khác để bảo vệ cho bản thân mình, người thân, tài sản và hàng hóa trên xe.

Theo Taichinh.online tổng hợp