Chơi chứng khoán là cả một “nghệ thuật” và quá trình đòi hỏi bạn phải tích lũy từ những chi tiết nhỏ nhất. Điều cơ bản trước tiên bạn cần phải tạo một tài khoản chứng khoán và học cách đọc bảng giá chứng khoán.
- Những rủi ro chứng khoán không thể tránh khỏi khi đầu tư
- Đầu tư chứng khoán ngắn hạn và những điều cần biết
Mỗi sở giao dịch, mỗi công ty chứng khoán đều có một bảng giá với giao diện khác nhau. Tuy nhiên về cơ bản và ý nghĩa các thông số, ký hiệu thì chúng đều giống nhau cả. Bài viết xin được hướng dẫn cách đọc bảng giá chứng khoán theo bảng giao dịch TVSI làm ví dụ.
Tìm hiểu các thông tin cơ bản trên bảng giá chứng khoán
– Cột mã chứng khoán: Thể hiện tên viết tắt của các chứng khoán được đăng ký và niêm yết tại Trung tâm giao dịch chứng khoán (viết tắt là TTGDCK). Khi rê chuột vào mỗi mã hiệu tên công ty sẽ hiện ra.
– Cột giá trần: Thể hiện mức giá cao nhất để nhà đầu tư đặt lệnh giao dịch (mua/bán) chứng khoán, màu hồng tím.
– Cột giá sàn: Thể hiện mức giá thấp nhất để nhà đầu tư quyết định đặt lệnh mua hoặc bán chứng khoán, màu xanh da trời.
– Cột giá tham chiếu: Là mức giá đóng cửa của phiên giao dịch hôm trước, thể hiện màu vàng. Dựa vào các công thức trên có thể thấy giá tham chiếu chính là cơ sở để tính giá trần và giá sàn của hiện tại.
– Cột giá khớp lệnh: Cho biết mức giá ứng với khối lượng chứng khoán được giao dịch nhiều nhất.
– Cột khối lượng khớp: Thể hiện khối lượng chứng khoán được thực hiện tại mức giá khớp lệnh.
– Cột thay đổi: Mang ý nghĩa thể hiện sự chênh lệch giữa mức giá hiện tại và giá tham chiếu.
– Cột mua: thường có 6 cột biểu hiện cho 3 mức giá đặt mua cao nhất và khối lượng đặt mua tại mức giá tương ứng.
– Cột bán: bao gồm 6 cột thể hiện 3 mức giá đặt bán thấp nhất và khối lượng chứng khoán đặt bán tại mức giá đó.
Thời gian và các phiên giao dịch
– Sàn HNX (Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội) hàng ngày có 2 phiên: phiên giao dịch liên tục 9h – 11h30 và 13h – 14h30, phiên đóng cửa 14h30 – 14h45.
– Sàn HOSE (Sở giao dịch Chứng khoán TPHCM) chia làm 3 phiên: phiên mở cửa (9h – 9h15), phiên khớp liên tục (9h15 – 11h30 và 13h – 14h30), phiên đóng cửa (14h30 – 14h45).
Hướng dẫn cách đọc bảng giá chứng khoán
Cách tính giá trần, giá sàn
- TTGDCK Hà Nội: Giá trần = Giá tham chiếu + (10% * Giá tham chiếu)
- TTGDCK TPHCM: Giá trần = Giá tham chiếu + (7% * Giá tham chiếu)
(Con số 10% là biên độ dao động giá sàn CK Hà Nội, 7% là biên độ dao động giá của sàn CK TPHCM)
– Cách tính giá sàn:
- TTGDCK Hà Nội: Giá sàn = Giá tham chiếu – (10% * Giá tham chiếu)
- TTGDCK TPHCM: Giá sàn = Giá tham chiếu – (7% * Giá tham chiếu)
Ví dụ, trên sàn HNX mã chứng khoán A có giá tham chiếu là 22.0 (22.000đ/cổ phiếu).
Giá trần = 22.0 + (10% * 22.0) = 24.2
Giá sàn = 22.0 – (10% * 22.0) = 19.8
Như vậy chúng ta chỉ được đặt lệnh giao dịch trong khoảng giá từ 19.800 – 24.200 đồng/cổ phiếu.
Ngoài ra, trên bảng giá điện tử còn thể hiện màu đỏ và màu xanh lá. Với các màu sắc như vậy giúp các nhà đầu tư cảm nhận được tình hình thị trường hôm đó như thế nào. Màu đỏ biểu hiện mức giá tuy thấp hơn giá tham chiếu nhưng vẫn cao hơn giá sàn. Màu xanh lá tức giá cao hơn giá tham chiếu nhưng chưa phải giá trần.
Mua, bán chứng khoán và khớp lệnh
Ở các bảng điện tử, khối lượng mua và bán được tính theo “lô”. Theo đó mỗi đơn vị “lô” tức 10 cổ phiếu. Ví dụ, ở sàn HOSE mã ACB khối lượng khớp là 167000, tức là 1670000 cổ phiếu.
Ở cột mua thể hiện 3 mức giá và khối lượng đặt mua cao nhất trong cùng một thời điểm. Chúng hiện ra theo thứ tự từ cao đến thấp. Ngược lại, ở cột bán thể hiện 3 mức giá bán và khối lượng sắp xếp từ thấp đến cao.
Vậy khi nào sẽ xảy ra khớp lệnh? Khi mức giá mua từ cao đến thấp khớp với giá bán từ thấp đến cao theo từng phiên.
Ví dụ AGF có 3 mức giá mua 82 (1000cp) – 80 (2000 cp) – 79 (1000cp) cùng 3 mức giá bán là 78 (500cp) – 79 (1000cp) – 80 (2000 cp). Nếu khớp lệnh, giá của AGF là 80(3000 cp) cùng mức dư mua là 79(1000cp) và dư bán là 80(500cp).
Ngoài ra trên bảng điện tử còn các cột nữa để các nhà đầu tư quan tâm là: Tổng khối lượng (tức tổng số khối lượng cổ phiếu được khớp), NN mua (khối lượng cổ phiếu nhà đầu tư nước ngoài mua) và NN bán (khối lượng cổ phiếu nhà đầu tư nước ngoài bán).
Mỗi người sẽ có một cách đọc bảng giá chứng khoán và nhận xét khác nhau. Tuy nhiên trên đây là những kiến thức cơ bản nhất để những nhà đầu tư mới tham khảo.
Theo Taichinh.online tổng hợp