Để dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn lớn, nhiều người thường lựa chọn hình thức vay tiêu dùng có tài sản đảm bảo, để có thể nhanh chóng giải quyết vấn đề tài chính của bản thân. Vậy hình thức này có gì và quy trình như thế nào mà được nhiều người lựa chọn như thế? Tìm hiểu chi tiết ngay sau đây.
1. Khi nào cần vay có tài sản đảm bảo?
Bạn có thể lựa chọn vay tiêu dùng có tài sản đảm bảo, khi cần một nguồn vốn để chi tiêu các khoản cần thiết và khẩn cấp nhưng chưa thể xoay sở trong thời điểm hiện tại. Lúc này, ngân hàng sẽ lập hồ sơ vay tiêu dùng thế chấp của bạn theo quy định, giải ngân khoản vay ngay khi hợp đồng được hoàn tất, giúp giải quyết các vấn đề tài chính của bạn sớm nhất có thể.
2. Tài sản đảm bảo bao gồm những gì?
Theo quy định của Nhà nước, những tài sản đảm bảo có thể dùng để vay tiêu dùng thế chấp bao gồm:
- Tài sản hiện có hoặc sẽ hình thành trong tương lai, không bao gồm trường hợp Bộ luật Dân sự hay các luật khác liên quan cấm chuyển nhượng, mua bán, hoặc chuyển giao khác về quyền sở hữu tại thời điểm xác lập hợp đồng bảo đảm và biện pháp bảo đảm.
- Tài sản thuộc sở hữu toàn dân (khi pháp luật liên quan có quy định).
- Tài sản thuộc về đối tượng của nghĩa vụ, trong hợp đồng song vụ bị vi phạm đối với biện pháp cầm giữ.
- Tài sản bán trong hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu
- Quyền tài sản như quyền tác giả, quyền góp vốn kinh doanh, quyền được nhận bảo hiểm,…
3. Quy trình vay có tài sản đảm bảo
Để vay tiêu dùng có tài sản đảm bảo tại ngân hàng, thông thường bạn cần thực hiện các bước sau:
Bước 1: Đăng ký vay vốn ở ngân hàng mà bạn muốn > Cung cấp các hồ sơ theo quy định của ngân hàng bao gồm CMND/CCCD/Hộ chiếu còn thời hạn hiệu lực, sổ hộ khẩu (bản sao), giấy chứng nhận TSBĐ (bản sao), một số giấy tờ chứng minh thu nhập và một số loại giấy tờ khác.
Bước 2: Nhân viên ngân hàng nhận hồ sơ > Tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin và tính pháp lý có liên quan đến tài sản như thông tin quy hoạch, giải tỏa (đối với bất động sản), thông số kỹ thuật, công nghệ (đối với máy móc thiết bị),…
Bước 3: Nếu không có gì bất thường, nhân viên sẽ hẹn với khách hàng ngày đến kiểm tra tài sản thực > Các chuyên viên giám định hoặc bên thứ 3 có thẩm quyền tiến hành kiểm tra, ghi chép cẩn thận hiện trạng của tài sản bằng văn bản và hình ảnh so với giấy tờ khách hàng đã đưa. Trong trường hợp là bất động sản, thì cần phải tham khảo giá đất ở khu vực xung quanh (có vị trí, cấu trúc gần tương đương với tài sản của khách hàng).
Bước 4: Sau đó để đưa ra mức định giá phù hợp, các ngân hàng sẽ sử dụng nghiệp vụ riêng theo quy định, bao gồm: Tìm kiếm thông tin trên Internet, giá bán hiện hành, giá bán niêm yết, so sánh với tài sản có cùng đặc điểm, khả năng tăng hoặc giảm giá trị tài sản,…
Bước 5: Khi đã có kết quả phù hợp, chuyên viên sẽ lập biên bản và báo cáo thẩm định giá > Tiến hành lập hồ sơ thế chấp, đăng ký giao dịch đảm bảo và đưa vào hệ thống lưu trữ.
Bước 6: Kết quả sẽ được trả về cho khách hàng trong khoảng 2 – 3 ngày > Khách hàng và nhân viên thảo luận về hợp đồng > Tiến hành ký kết khi đạt được thống nhất > Ngân hàng sẽ giải ngân ngay khi khách hàng hoàn thiện thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm tài sản.
4. Những điều cần lưu ý khi vay tiêu dùng thế chấp tài sản
Trước khi thực hiện vay tiêu dùng có tài sản đảm bảo, bạn cần chú ý một số vấn đề sau để đưa ra quyết định hợp lý nhất:
- Giá trị tài sản sẽ bị giảm: Những tài sản đảm bảo như nhà, ô tô,… có thể bị giảm giá trị do hư hại không giữ được hiện trạng ban đầu, làm thay đổi giá trị khoản vay, gây ảnh hưởng đến tình hình tài chính của bạn. Thường việc bảo quản tài sản sẽ được 2 bên thỏa thuận, nhưng bạn vẫn phải chịu phí bảo trì, dù ngân hàng là bên chịu trách nhiệm quản lý.
- Rủi ro mất tài sản: Khi vay có tài sản đảm bảo, nhưng bạn không thể trả nợ đúng hạn, hoặc mất khả năng trả khoản vay thì bên cho vay có thể toàn quyền sử dụng tài sản của bạn hoặc thanh lý để trừ vào khoản vay. Do vậy, bạn có thể sẽ mất tài sản và phải chịu trách nhiệm pháp lý khi không đảm bảo được theo hợp đồng đã ký.
- Yêu cầu điều kiện pháp lý khá phức tạp: Việc vay vốn và hoàn trả đối với các khoản vay có tài sản đảm bảo, thường cần nhiều giấy tờ xác minh liên quan, gây mất thời gian và khó khăn cho khách hàng khi cần có tiền ngay.
- Không thể tái sử dụng tài sản: Trong trường hợp, bạn đã dùng tài sản đảm bảo cho một khoản vay, thì không tái sử dụng nó cho các khoản vay khác. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến nhu cầu tài chính của bạn và tính linh hoạt của tài sản đảm bảo.
- Không phù hợp cho một số khoản vay: Không phải tài sản đảm bảo nào bạn cũng có thể dùng để vay vốn, chẳng hạn như bạn không thể sử dụng tài sản đảm bảo có giá trị quá lớn so với khoản vay bạn mong muốn. Vì vậy, để các khoản vay được duyệt nhanh, bạn nên đến các ngân hàng để nhận tư vấn từ nhân viên, rồi đưa ra quyết định hợp lý nhất.
5. Câu hỏi thường gặp
Dưới đây là những giải đáp về vấn đề vay có tài sản đảm bảo bạn nên biết.
5.1. Có thể dùng một tài sản đảm bảo để vay tiêu dùng ở nhiều ngân hàng được không?
Bạn không thể dùng một tài sản đảm bảo nhất định để vay tiêu dùng ở nhiều ngân hàng tại thời điểm xác lập vay vốn. Nhưng bạn có thể dùng tài sản này để vay nhiều khoản vay khác nhau tại một ngân hàng cùng lúc, nếu tài sản này có giá trị thế chấp cao hơn tổng các khoản vay tại thời điểm giao dịch được lập.
5.2. Sử dụng tài sản của người khác để vay tiêu dùng được không?
Việc khách hàng có được dùng tài sản của người khác để vay tiêu dùng không sẽ phụ thuộc vào quy định của ngân hàng, và tài sản dùng để vay. Trong trường hợp ngân hàng đồng ý, để thực hiện được việc vay vốn này, khách hàng phải có giấy ủy quyền hợp pháp từ bên thứ ba.
Bài viết trên đã cung cấp cho bạn những kiến thức về vay tiêu dùng có tài sản đảm bảo, cũng như quy trình vay diễn ra như thế nào, và các vấn đề có liên quan khác. Hy vọng với những thông tin đó, bạn sớm tìm ra được giải pháp tài chính phù hợp với bản thân nhé!