Bảo hiểm tai nạn lao động là gì? Những quy định bạn cần biết

Tác giả: admin

Bảo hiểm tai nạn lao động

Tai nạn lao động có thể bất ngờ xảy ra khiến người lao động có thể không còn khả năng lao động như ban đầu nữa. Vì thế mà bảo hiểm tai nạn lao động là một thứ vô cùng quan trọng cũng như cần thiết để đề phòng các trường hợp này. Bài viết sau sẽ giới thiệu tới bạn một số quy định của nhà nước về loại hình bảo hiểm tai nạn lao động này. 

1. Bảo hiểm tai nạn lao động là gì?

Bảo hiểm tai nạn lao động là gói bảo hiểm có vai trò bảo vệ quyền lợi cho người lao động khi gặp thương tật, thương tích do tai nạn liên quan đến công việc gây ra.

Trong đó, theo Điều 42 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ được sử dụng để chi trả các khoản sau:

  • Phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với các trường hợp đủ điều kiện hưởng.
  • Chi trợ cấp một lần, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp phục vụ.
  • Chi hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình.
  • Chi dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
  • Chi hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
  • Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc.
  • Chi phí quản lý bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
  • Chi đóng bảo hiểm y tế cho người nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng.

Bảo hiểm tai nạn lao động là gì?

Các quyền lợi từ bảo hiểm tai nạn lao động sẽ hỗ trợ chi trả cho người lao động khi gặp thương tổn trong công việc.

2. Đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động

Theo Điều 43 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 và khoản 1 Điều 2 Nghị định 88/2020/NĐ-CP, quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động gồm có:

  • Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Việt Nam làm việc với hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.
  • Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn; hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên.
  • Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương.
  • Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân.
  • Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an đang theo học được hưởng sinh hoạt phí.
  • Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu.

Trường hợp nào không được hưởng chế độ bảo hiểm lao động?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, người lao động không được hưởng chế độ do Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả nếu thuộc một trong các nguyên nhân:

  • Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
  • Người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân.
  • Sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.

3. Điều kiện hưởng bảo hiểm tai nạn lao động

Để được hưởng những quyền lợi của bảo hiểm tai nạn thì người lao động phải đáp ứng các điều kiện như sau:

– Bị tai nạn tại nơi làm việc đồng thời còn trong giờ làm việc.

– Bị tai nạn ở ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc nhưng đang trong lúc thực hiện công việc theo yêu cầu từ người sử dụng lao động.

– Trên đường đi từ nơi cư trú tới nơi làm việc, hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.

– Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên bởi tai nạn.

Điều kiện hưởng bảo hiểm tai nạn lao động

Người lao động bị tai nạn trong giờ làm việc sẽ được hưởng chế độ tai nạn lao động.

4. Mức đóng phí bảo hiểm tai nạn lao động

Mức phí người sử dụng lao động phải đóng hằng tháng tối đa là 1% mức tiền lương đóng cho bảo hiểm xã hội của người lao động. Nếu có tai nạn lao động xảy ra thì người lao động sẽ được nhận trợ cấp tai nạn lao động, tính trên cơ sở tổng các mức tiền lương làm căn cứ đã đóng vào quỹ tai nạn lao động của tất cả các hợp đồng lao đồng vào thời điểm có tai nạn xảy ra.

Bên cạnh đó, theo hướng dẫn của Chính phủ tại Điều 4 Nghị định 58/2020/NĐ-CP thì mức đóng cụ thể được quy định là:

  • Mức đóng bình thường bằng 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội; đồng thời được áp dụng đối với người lao động là cán bộ, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng vũ trang thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, quân đội, công an, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng ngân sách nhà nước.
  • Mức đóng bằng 0,3% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội được áp dụng đối với doanh nghiệp bảo đảm điều kiện theo quy định tại Điều 5 Nghị định 58/2020/NĐ-CP.

5. Mức trợ cấp theo quy định bảo hiểm tai nạn lao động

Khi tham gia, người lao động được hưởng nhiều chế độ hỗ trợ nếu chẳng may bị tai nạn lao động bao gồm:

  • Trợ cấp 1 lần khi người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5-30%: Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 5 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở.
  • Trợ cấp hằng tháng cho những người bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên: Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở.

Để hiểu rõ hơn, bạn có thể truy cập TẠI ĐÂY.

Chế độ và mức đóng phí bảo hiểm tai nạn lao động

Tùy vào mức độ thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động mà khoản trợ cấp có thể là 1 lần hoặc hằng tháng.

Bảo hiểm tai nạn lao động như một ‘tấm khiên’ bảo vệ đối với những người lao động trước những rủi ro bất ngờ trong công việc. Hy vọng với bài viết trên, bạn đã có thêm thông tin cũng như hiểu biết thêm về loại hình bảo hiểm đặc thù này.

Theo Taichinh.online tổng hợp